Làng Dĩnh Kế nằm dọc theo Quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 2km về phía Đông Bắc. Con đường vào làng nhỏ và sâu. Trong từng nếp nhà, không nhà nào không có những chiếc phên nứa để phơi bánh tráng. Cả làng có trên một trăm hộ làm bánh đa và trở thành nghề chính đem lại nguồn thu nhập cho các hộ dân.
Bánh đa Kế có từ lâu đời, là nghề cha truyền con nối. Sản phẩm bánh đa truyền thống chứa đựng sự công phu, khéo léo và tinh tế của người dân. Qua mỗi thời kỳ, làng nghề bánh đa Kế càng phát triển thịnh vượng hơn và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Cho đến ngày hôm nay, mặt hàng dân dã này đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực và thức quà đặc sản đậm chất đồng quê Bắc Bộ.
Thăm Bắc Giang đừng quên bánh đa Kế
Nhìn thoáng qua quy trình làm bánh thì thấy thật đơn giản nhưng không phải vậy. Để làm được những chiếc bánh ngon và đẹp mắt người dân trong làng Kế phải thức dậy lúc 3 giờ sáng, chuẩn bị gạo, tráng, nướng và phơi bánh. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn.
Đầu tiên là khâu chuẩn bị nguyên liệu, nguyên liệu chính để làm bánh đa Kế là loại gạo ngon, để lâu ngày, khi ấy nhựa gạo chuyển hoá thành một dạng thức khác, cô đọng và hoà tan vào những hạt gạo trắng trong. Người ta vo gạo rất nhẹ nhàng, làm sao cho vừa sạch lại vừa bảo đảm những bụi cám vẫn còn dính trên hạt gạo ấy. Sau đó đem gạo ngâm với nước, vớt ra để cho ráo nước rồi cho vào máy xay, tạo ra thứ bột mịn và trắng muốt.
Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, bột được đem tráng để thành hình hài chiếc bánh. Tuy tráng bánh đa có nhiều điểm tương đồng với tráng bánh cuốn nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn của người thợ lành nghề. Là loại bánh dùng để nướng nên khi tráng phải dày hơn. Bánh được tráng hai lần, sau khi lớp một chín nhưng vẫn còn ướt, lớp hai được trải đều ngay trên lớp một, tuy nhẹ tay nhưng đều và phẳng.
Trước khi đem phơi bánh đa, người ta rắc một lượt vừng đen cùng lạc sống giã giập lên trên. Kỹ thuật rắc vừng, lạc cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp, khi rắc người làm lấy tay nhúm lấy những hạt vừng rồi rắc đều lên trên mặt bánh đa, tập trung dày đặc nhất ở tâm bánh. Bên cạnh đó, có gia đình cho lạc giã giập hòa cùng bột nước đem tráng lên khuôn.
Khi phơi bánh đa, người làng Kế đặt lên trên những tấm phên đan bằng nứa, phên phải phẳng phiu, kích thước không được nhỏ hơn bánh đa khi mang từ khuôn ra. Khi bánh se mặt và vẫn còn dẻo, phải kịp thời gỡ bánh cho khỏi dính vào phên, tránh bị vỡ, hoặc thủng, rồi mới lật bánh sang mặt bên kia và phơi tiếp cho đến khô. Khi khô bánh được bảo quản rất cẩn thận.
Thăm Bắc Giang đừng quên ăn bánh đa Kế
Khâu khó nhất của chiếc bánh đa Kế chính là khâu quạt bánh. Nhìn chị gái làng Kế một tay đảo qua đảo lại cái bánh đa trên mặt bếp than hồng, tay kia phe phẩy cái giấy lúc nhanh lúc chậm, lúc giơ cao, lúc chúc xuống, khi lấy nẹp tre dằn lên bánh đa, lúc lại lấy tay cuốn từng mép bánh... giống như những "nghệ nhân" thực thụ.
Theo các bà, các chị ở làng Kế chia sẻ: “Than để nướng bao giờ cũng phải là thứ than củi. Kỹ thuật nướng cũng đòi hỏi sự khéo léo. Không được quạt mạnh quá, than bốc lửa, bánh dễ cháy mà không chín. Đặc biệt, phải quạt đều tay, than đượm - “chín âm”. Những chiếc bánh sống qua đôi bàn tay khéo léo của người con gái làng Kế thoáng chốc phồng lên, giãn nở đều, chín rộp dần dần và cong lên khum khum như hình yên ngựa, từ từ chuyển sang màu vàng ruộm, vừng chín thơm lừng.
Với giá rất bình dân từ 10.000 - 15.000 đồng một chiếc, bạn đã có thể thưởng thức những chiếc bánh đa Kế giòn tan và thơm bùi hương vị của lạc, của vừng. Chiếc bánh tuy giản dị nhưng cũng chính là tâm huyết của biết bao nghệ nhân nơi đây, trở thành món quà không thể thiếu đối với du khách đến thăm hoặc chỉ ghé qua Bắc Giang một lần.